Cơ hội của ngành dệt may khi TPP được ký kết

Cơ hội của ngành dệt may khi TPP được ký kết

PTO- Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP) được ký kết hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam với những ưu đãi về thuế suất xuất khẩu, trong đó có hàng dệt may. Những năm qua, dệt may luôn là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là ngành chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu tại tỉnh ta. Tính đến tháng 8-2015, trên địa bàn tỉnh có tổng số 44 doanh nghiệp dệt may lớn nhỏ (trong đó có 24 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng lao động gần 34.000 người. Hiện tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng dệt may trong tỉnh ước đạt gần 169 triệu USD, chiếm tỷ trọng 29,5% giá trị hàng xuất khẩu của cả tỉnh; thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ và Hàn Quốc.
Mặc dù mới đi vào hoạt động, song Công ty TNHH May Hoa Sen Phú Thọ (huyện Phù Ninh) đã sớm khẳng định được hiệu quả sau đầu tư nhờ luôn quan tâm tới năng suất và chất lượng sản phẩm.
Mặc dù mới đi vào hoạt động, song Công ty TNHH May Hoa Sen Phú Thọ (huyện Phù Ninh) đã sớm khẳng định được hiệu quả sau đầu tư nhờ luôn quan tâm tới năng suất và chất lượng sản phẩm.
Khi TPP được ký kết, sẽ là cơ hội mới, tạo đòn bẩy cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng phát triển bền vững, tăng trưởng xuất khẩu và tái cấu trúc nội lực của ngành vững chắc hơn theo hướng sản xuất từ nguyên liệu đến sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, đặc điểm riêng biệt của TPP là quy tắc xuất xứ hàng hóa (CRO), để nhận được mức thuế 0%, các nước tham gia phải triệt để tuân theo quy tắc xuất xứ với từng sản phẩm. Với dệt may là phải sử dụng nguyên liệu từ vải sợi trong nước. Nếu phải nhập khẩu thì chỉ được nhập trong phạm vi các nước thành viên của TPP, đây là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi mà nguyên, phụ liệu của ngành dệt, may hiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật... Đối với Phú Thọ tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của các doanh nghiệp trong tỉnh còn lớn, xuất khẩu đạt tới 169 triệu USD, song các doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra 130 triệu USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, xơ, sợi dệt, phụ liệu dệt… phục vụ sản xuất. Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ các nước không thuộc ưu đãi thuế suất do không là thành viên của các hiệp định thương mại tự do (AFTA), nhất là TPP tiêu biểu là Trung Quốc… chưa kể công nghiệp phụ trợ của Việt Nam gần như chưa có gì, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới mức tăng trưởng lợi nhuận trong chuỗi giá trị.
 
Bên cạnh đó, với nhiều ưu đãi khi TPP hoàn thiện, ngành dệt may tự khắc trở thành ngành hàng có sự hấp dẫn thu hút đầu tư, mang lại lợi ích về đầu tư phát triển ngành hàng ngày càng mạnh hơn cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, do các yếu tố về tài chính, môi trường đầu tư, chưa công bằng trong chính sách nên có nguy cơ các doanh nghiệp nội địa bị chèn ép bởi sự đầu tư ồ ạt có thể có của các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện những khâu đơn giản tạo giá trị thấp, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam với kế hoạch sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để xuất khẩu. Không chỉ những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan, hay Hồng Kông, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí từ Mỹ, cũng đang hướng đến các dự án sản xuất ở Việt Nam để tận dụng cơ hội từ TPP. Các doanh nghiệp này còn tận dụng nguồn lao động giá rẻ để sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam sau đó xuất ngược về nước họ.
 
Mặt khác, vấn đề lớn của dệt may là môi trường. Có thể có sự đầu tư nhưng không đảm bảo được yếu tố môi trường sẽ không được chấp thuận do Phú Thọ cũng như tất cả các tỉnh thành trong cả nước hiện tại đều lo lắng về mức độ ô nhiễm do các dự án sản xuất chế biến nhuộm mang lại. Với mức đầu tư lớn cho một dây chuyền sản xuất dệt, nhuộm cũng sẽ là một phần hạn chế cho các doanh nghiệp trước mắt lại chính là các doanh nghiệp nội địa với khả năng tài chính có hạn và công nghệ đầu tư còn chưa cao.
 
Mặc dù lĩnh vực dệt may của tỉnh ta có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, giải quyết được nhiều lao động, nhưng theo đánh giá của Chi hội Dệt may Phú Thọ, giá trị gia tăng  ngành dệt may của tỉnh vẫn khá khiêm tốn. Nguyên do hầu hết các doanh nghiệp chỉ thực hiện gia công là chính, còn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đều phải nhập ngoại. Qua đó cho thấy, lĩnh vực dệt may của tỉnh đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng. Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới cùng với triển vọng Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại song phương Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc sắp được ký kết sẽ là những yếu tố giúp ngành dệt may cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may xuất khẩu, đòi hỏi ngành dệt may phải nỗ lực tìm mọi cách phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, đồng thời thay đổi phương thức sản xuất cho phù hợp với yêu cầu mới. Các doanh nghiệp ngành dệt may cũng cần quan tâm đổi mới phương thức sản xuất, hướng dần tới những phương thức sản xuất, công nghệ hiện đại hơn, mang lại giá trị gia tăng và năng suất lao động cao hơn.
 
Như vậy, với TPP, cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam nói chung cũng như tỉnh ta nói riêng là không ít, nhưng những thách thức cũng là không nhỏ để có thể tồn tại và tận dụng được hết các cơ hội mà TPP mang lại, đòi hỏi từ cả các cơ quan, ban, ngành liên quan, cộng đồng các doanh nghiệp cho tới người tiêu dùng cần chủ động nắm bắt tốt thời cơ để phát triển và hội nhập.
Đức Minh - Nguyễn Hương
Nguon: baophutho.vn